Khái niệm “kiến trúc xanh”, hay gọi cách khác là “kiến trúc bền vững” (sustainable building), được dùng để đề cập đến công tác kiến tạo các công trình kiến trúc và sử dụng những phương pháp mang tính thân thiện với môi trường và tính hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong suốt “đời sống” của công trình.
Do các vấn đề về môi trường càng ngày càng nghiêm trọng, kiến trúc xanh đang trở thành một xu hướng thiết kế rất được quan tâm và sẽ còn phát triển trong tương lai. Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu đến độc giả một số công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc này.
1. Khách sạn Parkroyal (Singapore)
Hệ thống Parkroyal có biểu tượng công trình khách sạn xanh ngay ngoài mặt tiền. Đó là biểu tượng kiến trúc xanh một cách nghệ thuật tinh tế với hệ thống cây xanh được thiết kế theo nhiều cấp bậc gồm các loại cây nhiệt đới và dây leo khiến cho du khách đến đây có cảm giác như đang được sống giữa thiên nhiên tươi đẹp.
Cùng với đó là hệ thống làm mát tiết kiệm năng lượng và vô cùng hiệu quả, hệ thống xử lý nước mưa, nước thải, hệ thống ánh sáng cảm biến và kính năng lượng mặt trời… tất cả như muốn mang đến cho du khách một khu rừng nhiệt đới nằm ở giữa trung tâm của thủ đô ngân hàng của khu vực Đông Nam Á.
2. Viện bảo tàng Quai Branly (Pháp)
Quai Branly tọa lạc tại thủ đô của Pháp và nằm gần tháp Eiffel. Đây là nơi trưng bày nghệ thuật, văn hóa và các nền văn minh của châu Phi, Á, Mỹ và châu Đại Dương. Điểm ấn tượng của bảo tàng này là có những khu vườn dọc bao phủ bên ngoài. Cây cối phát triển không cần đất trồng và được thiết kế nhằm cải thiện chất lượng không khí và giảm bớt việc sử dụng năng lượng .
3. Tòa nhà Urban Cactus (Hà Lan)
Tòa nhà bao gồm 19 tầng, với kiểu dáng được thiết kế hoàn toàn không theo một quy luật nào trước đây. Những không gian trong công trình sẽ đón nhận nhiều nhất ánh sáng mặt trời tự nhiên. Kiến trúc phỏng sinh học này có hình dáng như một cụm xương rồng.
4. Trung tâm thể thao xanh (Hà Lan)
Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Hà Lan – VenhoevenCS, trung tâm thể thao xanh ở Amsterdam nhìn xa như một pháo đài thiên nhiên với hàng ngàn cây xanh bao phủ. Khu thể thao xanh Mercator được đặt ngay ở lối vào một công viên trong khu phố De Baarsjes. Các kiến trúc sư đã sử dụng rất nhiều cây rậm rạp và hoa ở mặt tiền tạo nên một mảng không gian xanh rộng lớn.
5. Tòa nhà Anti-Smog (Pháp)
Tòa nhà Anti-Smog được thiết kể bởi kỹ sư tài năng Vincent Callebaut. Callebaut đã miêu tả công trình của mình như là một tòa nhà ăn khói bụi độc hại từ tình trạng giao thông kinh khủng của Paris bằng việc hấp thụ và tái chế khí thải. Bên cạnh đó, tòa nhà Anti-Smog còn khai thác nước mưa từ các vùng xanh trên mái nhà nhằm sử dụng cho toàn bộ tòa nhà.
6. Nhà xanh (Singapore)
Ngôi nhà có tên là Meere do KTS Guz thiết kế nằm trên đảo Sentosa, Singapore. Mặt trước, mặt sau, sân thượng đều có cây xanh. Nói về ý tưởng này, KTS Guz cho biết, anh muốn ở mỗi tầng, dù trên cao vẫn luôn có cảm giác đang ở dưới mặt đất với những khu vườn xanh tươi. Mặt tiền màu xanh cho vẻ đẹp đầy thanh lịch, giúp bảo vệ ánh nắng mặt trời và đem lại sự riêng tư cần thiết.
7. Ark of the world (Costa Rica)
Ark of the world là tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng – Greg Lynn. Dựa trên nền tảng kiến trúc do chính ông tạo dựng “kiến trúc giọt nước” – kiểu nhà dựa trên hình dáng gần giống như các con amip và một số biến thể tự nhiên khác của nó, tạo nên các thiết kế nền tảng của các tòa nhà. “Ark of the world” được xây dựng tại khu rừng mưa Costa Rica, nhằm phục vụ cho nghiên cứu sinh thái và giảng dạy. Phần mái của tòa nhà được làm căng ra hết cỡ tạo thành một sân rộng cho những ai thích ngắm cảnh qua khu rừng mưa, còn khu vườn nước theo kiểu cột giúp cho nơi đây luôn mát mẻ.
8. Tòa City Hall (Anh)
Tòa nhà được thiết kế bởi công ty của Norman Foster – người tin rằng: “thế giới có thể thay đổi bằng cách thay đổi thiết kế nơi mà chúng ta sống“. Tòa nhà được thiết kế nằm cạnh sông Thames, thuộc khu Southwark của London. Foster coi nó như một viên ngọc treo bên cạnh dòng sông của thành phố. Mục đích chính khi xây dựng tòa nhà là không gây ô nhiễm môi trường, bằng các loại vật liệu bền vững.
Gửi bình luận của bạn