Cây sung

Giá bán: Liên hệ

Rate this product

Ít ai trong giới nghệ nhân cây cảnh khi nghe nhắc tới cây Sung mà không liên tưởng bộ tứ quý “sung, mãn, quan, quý”. Đúng là khó quên, khi nó được đặt ở vị trí đầu tiên trong bộ tứ biểu thị cho 4 niềm ước mơ của người trần gian. Người xưa lấy sung làm cây biểu tượng cho sự sung túc, đầy đủ, chẳng sai chút nào. Cứ đến mùa xuân, toàn thân cây Sung trưởng thành, từ gốc đến cành, mọc chi chít những quả xanh, sau đó chuyển vàng, rồi đỏ ửng, để cuối cùng đỏ tím và nâu đen; không những gây cảm giác đầy đủ, mà còn tạo ấn tượng mỹ thuật, khiến các nghệ nhân đã chọn cây Sung làm cây tiểu cảnh, được biết bao người hâm mộ. Nhiều nghệ nhân giỏi còn biết điều tiết để cây ra quả đúng những ngày đầu xuân, giúp người yêu cây cảnh thỏa mãn niềm ước mơ, thay lời cầu nguyện đầu năm cho gia trang một năm mới thịnh vượng, ấm no.

Nhiều gia đình, cứ đến những ngày giáp Tết nguyên đán, vẫn không quên tìm mua bằng được vài chùm Sung trĩu quả để chưng bày trên bàn ngũ quả. Đến mùa chợ hoa xuân, biết bao người cứ đi lại, tần mần, ngắm nghía, mân mê những chậu cây Sung tiểu cảnh, nhất là những chậu cây Sung đã đơm đầy trái xanh; có người mê đến nỗi không thể rời được nếu chưa trả giá đến mức hết khả năng.

Đúng là cây Sung đã ảnh hưởng đến văn hóa tâm linh của người Việt. Do nắm được tâm lý người chơi, hằng năm vẫn thường có kẻ bày bán những chậu sung “phù thủy”. Nhìn qua cũng khó phát hiện, nhưng lúc mang về nhà, vài ba ngày sau, thấy quả cứ héo dần đi, mới hay rằng, toàn là những chùm quả Sung được gắn vào cành bằng keo tổng hợp.

Những cây Sung mọc ngoài thiên nhiên cũng thế, nó vừa hấp dẫn, lại vừa quấy nhiễu người đời. Vốn xuất thân từ những rừng rậm, sống dựa suối khe, chúng là nguồn giống bất tận, gieo rắc quả chín muồi theo dòng nước chảy, phát tán về sông, lạch, tấp vào bờ, tái sinh tạo ra những thế hệ cây Sung con cháu chiếm lĩnh môi trường mới. Bên những bãi bồi ven sông, với điều kiện thuận hợp, sung nhân dần số lượng, có khi tạo thành quần thể dày đặc. Chim, dơi, sóc… ăn quả cây Sung làm rơi vãi khắp nơi, có khi cách xa bờ nước hằng cây số, khiến nhiều cá thể cây sung mọc đây đó ngoài ý định của con người. Trong môi trường thích hợp, cây Sung phát huy khả năng lục hóa, tạo bóng, thanh lọc môi trường… và luôn thể hiện là loài cây chống chịu tốt. Thế nhưng, khi chúng bén rễ trong công viên, trên vỉa hè đường phố… thì, ngoài những ưu điểm vốn có, lại bộc lộ nhược điểm nhất định, như là gây ô nhiễm môi trường. Quả  của cây Sung là loại quả giả, do trục phát hoa dạng nạt cuộn lại tạo thành, dấu kín toàn bộ hoa nhỏ bên trong. Lúc chín mọng, rơi rụng sẽ tan vữa, hấp dẫn ruồi nhặng, người qua lại dẫm đạp bầy nhầy, rất khó bề quét dọn.Tất nhiên, nếu chúng ta biết chọn nơi thích hợp cho cây Sung phát triển thì đây là một nguồn lợi đáng lưu ý. Ngoài những tác dụng bảo vệ môi trường, nhiều bộ phận của cây Sung còn được dùng làm thuốc chữa bệnh. Rễ thường được dùng chữa chứng sợ nước. Vỏ cây Sung chữa cảm lạnh, tắt sữa, điều trị hen suyển, trĩ và rối loạn phụ khoa. Lá cây Sung được dùng làm chất se đường ruột, trị viêm phế quản. Nhựa mủ sung được dùng ngoài để giảm phù nề cho vết thương nhiễm trùng mãn tính, giảm đau. Quả được dùng làm chất se đường ruột, đồng thời cầm máu, tăng lực và để điều trị khí hư, rối loạn máu, cảm giác nóng, mệt mỏi, bệnh phong, rong kinh, chảy máu cam, ho khan, tắt tiếng và giun sán. Ngoài ra, có thể dùng quả làm thực phẩm cho người và thức ăn cho các loài động vật nuôi.

Cây Sung có tên khoa học là Ficus racemosa (tên đồng nghĩa là Ficus glomerata), thuộc họ Dâu tằm – Moraceae; tên tiếng Anh là cluster fig tree hoặc goolar. Trong sử kinh Phật giáo có tích “hoa ưu đàm ba ngàn năm mới nở một lần”. Hoa ưu đàm chính là quả sung. Tiếng Pali và Sanskrit gọi là udumbara (ưu đàm ba la); người Nhật gọi là udonge (ưu đàm hoa). Có lẽ vì thế, chúng ta cũng thường thấy cây sung xuất hiện ở các vườn chùa, miếu mạo…

Gửi bình luận của bạn

Gửi bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Những mục bắt buộc được đánh dấu *

Gọi Ngay